Tuyên bố này được hãng đưa ra trước sự kiện ra mắt chiếc smartphone cao cấp thế hệ mới Galaxy S8 vào ngày 29/3 tới đây.

Theo Samsung, quá trình tái chế Galaxy Note7 sẽ được Samsung tiến hành với 3 phần: thu hồi những thành phần có thể tái sử dụng như  máy ảnh và chất bán dẫn, chiết xuất các bộ phận kim loại với sự giúp đỡ của các công ty bên thứ 3 “thân thiện với môi trường” và đặc biệt sẽ bán trở lại các mẫu Galaxy Note7 đã được sửa lỗi và “tân trang” tại một số thị trường phù hợp.

Trước đó từng xuất hiện nhiều tin đồn cho biết Samsung sẽ sửa lỗi và bán các mẫu Galaxy Note7 đã tân trang tại một số thị trường đang phát triển như Ấn Độ hay Việt Nam, tuy nhiên Samsung đã lên tiếng phủ nhận thông tin này.

Hiện vẫn chưa rõ “một số thị trường phù hợp” như Samsung đề cập trong thông báo của mình là những thị trường nào. Tại thị trường Việt Nam, đại diện Samsung tiếp tục khẳng định sẽ không bán trở lại sản phẩm này. Hãng công nghệ Hàn Quốc cũng xác nhận sản phẩm sẽ không quay trở lại thị trường Mỹ.

Để thực hiện kế hoạch mới này, Samsung khẳng định sẽ hợp tác với chính quyền địa phương và các nhà mạng để bán Galaxy Note7 đã được sửa lỗi hoàn toàn, với một thỏi pin thay thế có dung lượng nhỏ hơn để tránh tình trạng quá nhiệt và sản phẩm bị cháy, nổ.

Samsung cho biết sẽ làm việc với các nhà quản lý để được cấp phép bán trở lại Galaxy Note7 trước khi công bố cụ thể các thị trường nào sẽ được bán chiếc smartphone này.

Đại diện của Samsung trả lời trang công nghệ The Verge rằng “Mục tiêu của việc bán lại các mẫu Galaxy Note7 đã được sửa lỗi và tân trang là để giảm thiểu tối đa những tác động đến môi trường.”

Đại diện này cũng cho biết có thể tên gọi, thông số cũng như giá bán của sản phẩm sẽ thay đổi khi được quay trở lại thị trường.

Theo nhiều chuyên gia, việc bán các mẫu Galaxy Note7 đã được sửa lỗi và “tân trang” được xem là một động thái để giúp Samsung không làm ô nhiễm môi trường dưới sức ép của các nhà môi trường lớn. Tổ chức Hòa bình xanh đã từng biểu tình để phản đối Samsung và yêu cầu hãng công nghệ Hàn Quốc phải công bố chi tiết quá trình tái chế hoặc phá hủy 4,3 triệu chiếc Galaxy Note7 đã được thu hồi để đảm bảo rằng quá trình này không làm ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, trang The Verge cũng cho biết, vấn đề đặt ra với Samsung đó là phải thuyết phục người dùng, đặc biệt là các hãng hàng không là máy tân trang đã an toàn. Ngay khi sự cố cháy, nổ pin xảy ra với Galaxy Note7 vào năm ngoái, tất cả các hãng hàng không trên thế giới đều không cho phép mang Galaxy Note7 lên mọi chuyến bay, kể cả chuyến bay thương mại lẫn chở hàng.