Startups

Cơn sốt startup hình thành bong bóng “vườn ươm khởi nghiệp” ở Trung Quốc

Hội chợ công nghệ China Hi-Tech Fair ở Thâm Quyến. — Nguồn ảnh mạng

Thâm Quyến là một trong những thành phố náo nhiệt, sầm uất nhất thế giới. Nhưng nếu như “lắng nghe” kỹ hơn, bạn có thể nghe thấy âm thanh rất nhẹ của một quả bong bóng đang dần phình to.

“Tôi cảm thấy ngay lúc này đang có bong bóng vườn ươm startup ở Thâm Quyến”. Đó là cảm nhận của Bill Liu – nhà sáng lập của Royole, công ty khởi nghiệp chuyên sản xuất màn hình dẻo hiện đang được định giá 3 tỷ USD và đặt trụ sở ở một trong những khu công nghệ cao của Thâm Quyến. “Bước vào các khu này, bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều chỗ trống, chẳng có startup nổi tiếng nào cả”, Liu nói.

Loic Kobes, người đang điều hành startup giao đồ ăn Coolhobo, thậm chí tâm sự rằng anh không biết làm cách nào mà các startup ở Thâm Quyến có thể kiếm được tiền.

Theo trang Financial Times, từ một làng chài nghèo xác xơ, Thâm Quyến nay đã trở thành trung tâm công nghệ của châu Á, là câu trả lời đáp lại thung lũng Silicon lừng danh của nước Mỹ. Đây là nơi Apple và Google làm ra những chiếc điện thoại thông minh, là “nhà” của những tập đoàn công nghệ nổi danh như Tencent hay DJI. Ở thành phố này có hàng nghìn startup đang cố gắng từng ngày với tham vọng sẽ thành công như những cái tên vừa kể đến.

Trong khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn tỏ ra khỏe mạnh, trong ngành công nghệ, mức định giá của các startup đang bị đẩy lên cao hơn bao giờ hết. Đằng sau đó cũng là tham vọng bành trướng quyền lực trong ngành công nghệ của Chính phủ Trung Quốc và dòng vốn dư thừa ồ ạt đổ vào ngành này để tìm kiếm những cơ hội sinh lời mới.

Theo truyền thông Trung Quốc, thành phố 11 triệu dân Thâm Quyến đang có tới gần 450 “vườn ươm startup” với tổng diện tích 5,9 triệu m2 là nơi làm việc của hơn 8.500 startup. Và thành phố cũng có kế hoạch xây dựng thêm 15 “vườn ươm” nữa ở Nanshan với tham vọng nâng con số lên 1.000 “vườn ươm” vào năm 2020.

Zhang Mingfen, giám đốc của khu công nghiệp sáng tạo Nanshanyungu là một trong những khu đầu tiên có mặt ở Thâm Quyến, cho rằng thay vì hoạt động thực sự hiệu quả, nhiều “vườn ươm” đơn giản đã trở thành nơi cho thuê văn phòng, không cung cấp bất cứ dịch vụ gì hỗ trợ các startup như tư vấn về marketing, pháp lý hay kỹ thuật.

Chính quyền Thâm Quyến đã mạnh tay rót tiền vào ngành công nghệ, thông qua các chính sách hỗ trợ, giảm thuế và dành nhiều ưu đãi về diện tích văn phòng cho các doanh nhân khởi nghiệp.

Bất chấp những lo ngại về nguồn cung dư thừa, các công ty toàn cầu vẫn coi Thâm Quyến là thị trường màu mỡ. WeWork, tập đoàn cung cấp không gian làm việc chung đến từ nước Mỹ, đã mở văn phòng ở cả Bắc Kinh và Thượng Hải với kỳ vọng sẽ có được 10.000 thành viên ở Trung Quốc vào cuối năm nay. Nhưng xu hướng ở WeWork cũng cho thấy một vài đặc điểm của thị trường Trung Quốc: nhóm khách thuê tăng trưởng nhanh nhất là những công ty có từ 500 nhân viên trở lên.

Trước năm 2012, khu đất mà ngày nay là khu công nghiệp sáng tạo Nanshanyungu thuộc về dân địa phương và được các nhà máy dệt may thuê lại với giá rẻ mạt 20 – 25 nhân dân tệ/m2. Ngày nay đây là nơi đóng đô của hơn 100 startup, giá thuê tăng gấp 3, lên 75 tệ/m2. Khu này gần như đã kín chỗ với các startup hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại điện tử đến điện toán đám mây và phần mềm.

Yeefung đã bỏ ra gần 2 thập kỷ để phát triển các bãi đỗ xe thông minh, nhưng sau khi bị hấp dẫn bởi những chính sách hấp dẫn mà Chính phủ dành cho các “vườn ươm”, ban lãnh đạo công ty quyết định quay sang mảng này. Nhưng chỉ có 1 trong số 20 dự án mà Yeefung đầu tư có thể sống sót. “Chúng tôi có bàn làm việc và máy tính, nhưng hiện ở trên tầng 3 chẳng có ai”, phó Chủ tịch Michael Zhan nói.

Ông cho rằng sự thống trị của “bộ tam” Baidu, Alibaba và Tencent cùng với danh mục quỹ đầu tư mạo hiểm khồng lồ là nguyên nhân khiến những công ty nhỏ và vừa khó có thể tồn tại.

Nhưng có nhiều người không bỏ cuộc. “Đó là xu hướng, và nếu bạn muốn kinh doanh thành công thì phải đi theo xu hướng”, Wang Jianxin, CEO của Weiyouhui, 1 “vườn ươm” mới được 4 năm tuổi hiện đang có 50 startup đều tập trung vào thương mại điện tử, nói. “Đó là cơ hội để đào được vàng”.

Nhấn vào đây để bình luận

Trả lời bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

ĐỌC NHIỀU

Lên trên
Skip to toolbar