Trí tuệ nhân tạo

Mỹ ngại Trung Quốc thâu tóm công nghệ AI

Giới chức Hoa Kỳ đang hết sức lo ngại việc chính phủ Trung Quốc đứng sau các thương vụ mua lại các công ty công nghệ của Mỹ để chiếm ưu thế về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Chính vì thế chính quyền Washington đang có kế hoạch tăng cường kiểm tra các thương vụ đầu tư, mua bán công ty của Trung Quốc ở Mỹ khi có thông tin tình báo tiết lộ rằng, “Trung Quốc đang muốn tiếp cận công nghệ trí tuệ nhân tạo và các công nghệ nhạy cảm khác” thông qua việc mua lại hoặc nắm giữ cổ phần chi phối tại một số công ty tiềm năng của Mỹ ở Thung lũng Silicon.

Theo Asia Times, điều đáng lo ngại ở đây là việc Trung Quốc không chỉ học hỏi công nghệ, hay tiến hành việc đầu tư đơn thuần mà còn muốn áp dụng công nghệ AI của Mỹ để tăng cường thêm sức mạnh quân sự và kinh tế trong nước.

Ở một góc độ khác, một báo cáo từ Lầu Năm Góc bị rò rỉ thông tin, rằng Trung Quốc “đang né tránh sự soi xét của an ninh Mỹ” bằng các hoạt động liên doanh tưởng chừng như vô hại.

Theo đó, các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ đổ nguồn vốn lớn vào các công ty khởi nghiệp, hoặc mua cổ phần thuộc về các công các ty công nghệ Mỹ rồi dần dần thâu tóm và làm chủ các bằng sáng chế của các công ty này.

Tại Mỹ, công nghệ AI đã dần thay thế cho con người ở một vài lĩnh vực như nông nghiệp và thậm chí là cả y học. Ngoài ra, nó đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực phục vụ cuộc sống như hỗ trợ sản xuất, giúp đỡ người khiếm thị, dịch thuật, trò chuyện với con người…, trong đó ví dụ nổi bật nhất có thể kể đến là dự án xe tự lái của Google.

Hiện một số cỗ máy trí tuệ nhân tạo đang có sự thông minh vượt trội khi có thể thắng cả con người trong các môn thể thao trí tuệ như cờ vua, giải đố.

Bên cạnh đó, lĩnh vực quân sự cũng dần áp dụng tiềm năng to lớn về AI trong việc phát triển một số vũ khí tối tân.

Trước những nguy cơ lớn đến từ việc Trung Quốc đang tiếp cận các công nghệ nhạy cảm của mình, Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ (CFIUS) đang xem xét mua lại các khoản đầu tư nước ngoài đối với các công ty trong nước, nhằm bảo đảo an ninh quốc gia không bị rò rỉ.

Cùng đó, các quan chức Mỹ và các nhà phân tích quốc phòng Mỹ cũng cho rằng: “Washington không có lựa chọn nào khác ngoài việc hành động ngay từ bây giờ”.

Thực tiễn cho thấy, dù Mỹ luôn có những chương trình hành động kiểm soát nhằm ngăn chặn các công nghệ nhạy cảm bị tuồn ra ngoài, nhưng AI đang trở nên dần quá phổ biến, do đó mục đích bảo vệ bí mật của nước này được cho là khó khả thi.“

Bất cứ ai quan tâm đến an ninh quốc gia ở Mỹ đều phải lo ngại Trung Quốc sẽ sớm sao chép thứ công nghệ đầy triển vọng như AI”, chuyên gia tình báo John Pike từ GlobalSecurity.org nói với tờ Asia Times.

“Người Trung Quốc không phải là bạn bè của chúng tôi. Họ có một tầm nhìn về trật tự quốc tế hoàn toàn khác với Mỹ, chuyên gia John Pike nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Winn Schwartau - một chuyên gia về an ninh mạng, lại lưu ý rằng, Mỹ sẽ vấp phải một sai lầm nghiêm trọng khi kiềm chế Trung Quốc đầu tư vào các công ty AI.“

Nếu Mỹ cố gắng sở hữu độc quyền hoàn toàn công nghệ trí tuệ nhân tạo. Đó là một suy nghĩ hạn hẹp”, ông nói với tờ Asia Times. “AI là ngành khoa học toàn cầu và chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu”.

Còn John Schaus, một chuyên gia về an ninh châu Á tại trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói rằng, Mỹ phải xem xét kỹ càng hơn về cái gọi là đầu tư “cửa sau” của các công ty Trung Quốc ở Thung lũng Silicon.

Mỹ hiện đang là cường quốc hàng đầu về công nghệ trí tuệ nhân tạo, còn Trung Quốc lại được cho là “rất khao khát muốn làm chủ được thứ công nghệ chủ đạo của tương lai”.

Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo(AI) là thuật ngữ này thường dùng để nói đến các hệ thống máy tính có thể bắt chước cơ chế hoạt động của não người, nhận dạng, ghi nhớ và thực hành tư duy thay thế cho con người một cách hoàn hảo.

Mặc dù các hoạt động giao dịch từ các công ty có liên quan đến quân đội Trung Quốc có thể bị Mỹ ngăn chặn ngay từ đầu, tuy nhiên Mỹ cũng rất khó để xác định được hết khi hàng trăm công ty khác của nước này “liệu có sự giật dây của Chính phủ Trung Quốc” - tức đứng sau lưng, nhằm mua lại các công ty công nghệ Mỹ hay không.

Liên quan đến vụ việc, vừa mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chặn việc mua lại Lattice Semiconductor Corp (LSCC.O) với giá trị 1,3 tỷ USD của Canyon Bridge Capital Partners - một trong những công ty được Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn.Quyết định này được nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra với lý do: “Thương vụ này đe dọa đến an ninh quốc gia, khi các thỏa thuận liên quan đến các công nghệ có thể ứng dụng trong lĩnh vực quân sự”.

Một thống kê của công ty nghiên cứu CB Insights cho biết, hiện có 29 nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đại lục đã đầu tư vào các công ty AI của Mỹ kể từ năm 2012.

Chỉ tính riêng trong năm 2015, các nhà đầu tư Trung Quốc đã giải ngân nguồn vốn 9,9 tỷ USD cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao của Mỹ, cao hơn năm trước tới 4 lần.

Bản thân Trung Quốc cũng không giấu giếm tham vọng vượt qua Mỹ trong việc làm chủ công nghệ trí thông minh nhân tạo.

Hồi tháng 7 vừa rồi, Trung Quốc đã ban hành một kế hoạch chi tiết hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ AI vào năm 2030 với một ngành công nghiệp giá trị lên tới 150 tỷ USD.

 

Nhấn vào đây để bình luận

Trả lời bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

ĐỌC NHIỀU

Lên trên
Skip to toolbar