Khoa học

Các nhà khoa học tìm cách cứu biển

Vẻ đẹp của biển Cửa Đại, Quảng Nam. — Nguồn ảnh sưu tầm

Là một trong những quốc gia có bờ biển đẹp nhất thế giới nhưng lại nằm trong vùng bị chịu thiệt hại lớn lao nhất của biến đổi khí hậu, các nhà khoa học địa chất Việt Nam đang ngày đêm tìm lời giải cho vấn đề giữ biển.

PGS-TS Đỗ Minh Đức - khoa Địa chất, Đại học khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội - khẳng định, biến đổi khí hậu có ảnh hưởng lớn đến khu vực ven biển ở mọi vùng trên khắp đất nước.

Trong khi đó thạc sỹ Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FECON, Trưởng ban tổ chức hội nghị Geotec Hanoi 2016 dẫn một thực tế rất đáng lo ngại: “Khu nghỉ Sun Spa Resort ở Quảng Bình có bãi biển rất đẹp, nhưng 2-3 năm gần đây nơi này không có bãi biển nữa do xói lở. Vấn đề này cũng đang rất nóng ở bãi biển Cửa Đại”.

Nếu không sớm có biện pháp, nhiều bờ biển tại Việt Nam sẽ bị biến đổi khi hậu tấn công.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong vòng 100 năm trở lại đây, nước biển dâng 70cm, kéo theo sóng tăng. Nếu nước biển dâng 70cm, chiều cao sóng sẽ tăng khoảng 1,5 lần, tạo nên dòng chảy ven bờ. Dòng chảy này kéo bùn cát lắng đọng ở bờ biển ra ngoài xa, dẫn đến hiện tượng xói mòn bờ biển.

Giải cứu bằng công nghệ

GS Kazuya Yasuhara - Viện Khoa học thích ứng biến đổi toàn cầu, Đại học Ibaraki, Nhật Bản - cho biết, ông đang xây dựng một giải pháp chống xói mòn bờ biển có tên là kè mềm bêtông rỗng tại đê biển Hải Hậu. Theo đó, các chuyên gia sử dụng kè mềm hình chữ T làm bằng bêtông rỗng để đưa vào từ đỉnh đê biển.

Ông cho biết thêm giải pháp này thành công tại Nhật Bản cho kết quả chống xói tốt và chi phí rẻ hơn các phương thức khác.

Các diễn giả tham gia hội nghị

Trong khi đó FECON, công ty nền móng hàng đầu tại Việt Nam lại đề xuất các công nghệ chống xói lở như gia cố công trình bằng sản phẩm dạng bêtông, hoặc dùng máy khoan sâu xuống công trình rồi phun các vật liệu, tạo nên kết cấu mềm ngay tại chỗ để ngăn chặn sự xâm nhập của nước biển khi triều dâng.

Tại nhiều nước phát triển như Hà Lan, Italy người ta thường làm tường ngăn cao hơn mực nước biển khoảng 3m. Ở cửa sông, họ làm cửa bêtông có thể nằm ngang phía dưới khi triều xuống và dựng lên khi triều lên. Ông Khoa, chủ tịch Fecon cho biết Việt Nam cũng đang tiếp cận công nghệ này nhưng với chi phí thấp hơn. Thay vì xây tường bêtông cao dày rất tốt kém, chúng tôi đang nghĩ tới giải pháp đê mềm - khi cần thì nó thành đê, khi không cần thì trở thành đáy.  “Sản phẩm này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu phát triển” - ông Khoa tiết lộ.

Theo ban tổ chức, hội nghị quốc tế “Địa kỹ thuật vì sự phát triển hạ tầng bền vững” tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày gần cuối tháng 11 với sự tham gia của chuyên gia và kỹ sư đầu ngành trong và ngoài nước đã thu được kết quả rất thành công, mở ra nhiều cơ hội cứu các bãi biển tuyệt đẹp của Việt Nam và trên thế giới khỏi nguy cơ sạt lở cũng như những hiểm hoạ tiềm tàng của biến đổi khí hậu.

Nhấn vào đây để bình luận

Trả lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐỌC NHIỀU

Lên trên
Chuyển đến thanh công cụ