Dự án trị giá 150 triệu USD này nhận được tài trợ từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Kuwait, Na Uy, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Sáng kiến Phòng ngừa nguy cơ hạt nhân (NTI).

Ngân hàng LEU có trụ sở đặt tại Ust-Kamenogorsk), miền Đông Kazakhstan. Nhiệm vụ của ngân hàng này là lưu trữ nhiên liệu hạt nhân và cung cấp cho các nước thành viên IAEA trong trường hợp nguồn cung nhiên liệu hạt nhân cho các nhà máy điện bị gián đoạn.

Mục đích của ngân hàng là đảm bảo việc sử dụng khoa học và công nghệ hạt nhân một cách an toàn, an ninh và hòa bình, đồng thời khuyến khích các nước không tự làm giàu nhiên liệu hạt nhân.

Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev khẳng định đây là sự kiện rất quan trọng đối với Kazakhstan.

Phát biểu tại lễ khai trương ngân hàng LEU, ông khẳng định: “Là một nước sở hữu số lượng lớn nguyên liệu đầu vào chứa urani, chúng tôi góp phần vào nỗ lực nhằm sử dụng năng lượng nguyên tử một cách hòa bình.”

Trong phát biểu của mình, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano cho biết ngân hàng LEU sẽ là giải pháp cuối cùng để các nước có thể mua LEU làm nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân khi xảy ra sự cố gây ảnh hưởng đến nguồn cung.

Ông đánh giá cao tầm quan trọng của ngân hàng LEU, và bày tỏ tin tưởng rằng ngân hàng này sẽ đánh dấu một “sự đóng góp có giá trị vào các nỗ lực quốc tế nhằm đảm bảo nguồn cung nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân.”

Dự kiến ngân hàng sẽ lưu trữ 90 tấn urani được làm giàu ở cấp độ thấp, đủ để vận hành một lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ công suất 1.000 MW hoặc cung cấp điện cho một thành phố lớn trong vòng 3 năm. Kazakhstan là nhà sản xuất urani hàng đầu thế giới, với hơn 15% lượng urani dự trữ toàn cầu.

Nga đã xây dựng một ngân hàng tương tự vào năm 2010. Tuy nhiên, ngân hàng LEU ở Kazakhstan là ngân hàng đầu tiên do IAEA sở hữu và quản lý.